Tin tức thị trường

Bản tin kinh tế Tháng 04/2024 – tổng hợp bởi KCN Amber Yên Quang

Các tin tức về kinh tế, thị trường, đầu tư, bất động sản nổi bật trong tháng 04/2024.

1. Kinh tế 4 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực
Tình hình kinh tế tháng 4/2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3/2024 và 3 tháng đầu năm.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời.


2. Vốn FDI thực hiện 4 tháng tiếp tục tăng cao
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.


3. Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 1/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) do Decision Lab thực hiện công bố ngày 8/4 đã báo hiệu niềm tin mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam.


Theo đó, chỉ số BCI quý đầu tiên của năm 2024 đạt 52,8. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2022 đến nay. Con số này cho thấy dấu hiệu rõ ràng về niềm tin ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp châu u của Việt Nam.
Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho rằng xu hướng tích cực này nhấn mạnh quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp châu u về Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng tuyệt vời.
4. Việt Nam – Lào chính thức ký Hiệp định Thương mại mới
Trong chuỗi hoạt động làm việc tại Viêng Chăn (Lào), ngày 8/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới.


Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào được ký lần đầu năm 2015. Hiệp định mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào năm 2015; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam – Lào; đặc biệt việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam – Lào.
5. Thủ tướng yêu cầu trình Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tháng 5/2024
Thủ tướng yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và Chỉ số an toàn an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh viễn thông quốc tế thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu. Yêu cầu Bộ sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2024 về Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, định hướng đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
6. Thủ tướng đề nghị CEO Tim Cook xác định Việt Nam là cứ điểm của Apple trên toàn cầu
Thủ tướng cho biết phía Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Apple thành lập Tổ công tác để hỗ trợ Apple trong việc đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhanh, mạnh, bền vững, lâu dài, góp phần thúc đẩy, cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.


Thủ tướng đề nghị Apple chú trọng đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu; tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các nhà cung ứng nằm trong chuỗi cung ứng của Apple mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đưa các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của Apple.
7. Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 6 tháng so với quy định ở luật là ngày 1/1/2025). Điều này đòi hỏi các bộ, ngành nỗ lực, quyết tâm rất lớn, nhưng phải thực hiện đầy đủ các bước của quy trình xây dựng văn bản pháp luật.


8. Nhận diện nút thắt tín dụng: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024 là khả thi; tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng cao, bền vững trong 1-2 năm tới, Chính phủ vẫn cần tiếp tục ưu tiên sử dụng công cụ chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, thúc đẩy tổng cầu trong nước.
9. Thị trường lao động dần quay lại bình thường như trước dịch
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa thông tin về tình hình lao động, việc làm quý 1/2024, cho biết đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Đó là lực lượng lao động thường giảm nhẹ so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp giảm, theo quy luật thường thấy ở quý có Tết Nguyên đán.


10. Dự báo lượng hàng qua cảng biển tăng vọt, cần 351.500 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng đến năm 2030
Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng hàng hải khoảng 351.500 tỷ đồng.
Để thực hiện quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, chuyên dùng từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của các cảng biển.

Nguồn: Tổng hợp Internet