Các tin tức về kinh tế, thị trường, đầu tư, bất động sản nổi bật trong tháng 07/2023.
- Dùng vốn ngân sách ba địa phương chuẩn bị đầu tư cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, Hòa Bình – Mộc Châu
Thủ tướng đồng ý giao UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua địa phận từng tỉnh, thành phố; UBND tỉnh Sơn La chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La với quy mô 2 làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện.
Đồng thời, dự án cũng giảm tải cho tuyến Quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình – Sơn La, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương thuộc 2 tỉnh, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
- Trong tháng 7/2023, trình Thủ tướng ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất trong tháng 7/2023.
Trong tháng 7/2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng, hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
- Ưu tiên đầu tư 29 dự án cảng biển hơn 31 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu rõ những dự án phát triển hạ tầng cảng biển kêu gọi đầu tư tư nhân.
“Huy động đa dạng các nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách, nguồn lực trong nước và ngoài nước để thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch. Thể chế hóa các giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực để đảm bảo triển khai hiệu quả, khả thi”, Quyết định số 886 chỉ rõ.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức liên quan thuộc các đối tác chiến lược của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức khác để thu hút vốn đầu tư hạ tầng cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển.
- Nhiều cơ sở để tin rằng dòng vốn cho bất động sản sẽ được cải thiện
Nhìn vào các chỉ số kinh tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút khoảng 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ 2022 và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước (3,15 tỷ USD). GDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 – 2023.
Nhìn cận cảnh vào tỷ trọng vốn đầu tư vào Việt Nam, thị trường vốn tại Việt Nam được tập trung phân bổ cho thị trường nhà ở, tiếp sau là lĩnh vực thương mại bao gồm công nghiệp và phi công nghiệp. Trong khi miền Bắc thu hút các loại hình đầu tư thương mại & công nghiệp, đặc biệt, các nhà sản xuất công nghiệp lớn đang được khuyến khích đầu tư tại khu vực trong giai đoạn này. Miền Nam trong giai đoạn gần đây đã không thu hút nhiều nhà sản xuất lớn như miền Bắc, nhưng thị trường nhà đầu tư đa dạng, với các loại hình giao dịch, bao gồm phát triển dự án mới; giao dịch các dự án đang trong quá trình phát triển, và thu mua các dự án đã hoạt động ổn định. Ngoài các khu kinh tế trọng điểm, các vùng ven và xa vẫn hấp dẫn được các nhà đầu tư.
- Triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương có các giải pháp khả thi, hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Rà soát lại các điều kiện cho vay thuận lợi, kiểm soát được và hiệu quả.
Khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của tổ chức tín dụng để kịp thời có giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng giảm bớt khó khăn trước mắt, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành trong tháng 7/2023.
- Vốn đầu tư FDI đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% trong 7 tháng đầu năm
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ và tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỷ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ. Đây cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 31,1%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55%). Các vị trí tiếp theo vẫn thuộc về ngành kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Xét về đối tác, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,2% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 7 tháng.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai…
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023; tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.
- Nhiều doanh nghiệp điện của Trung Quốc quan tâm tới thị trường Việt Nam
350 doanh nghiệp trong nước và quốc tế với hơn 500 gian hàng đến từ Trung Quốc, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự Vietnam ETE và Enertec Expo 2023 từ 19-21/7/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh. Phó tổng thư ký Hội đồng Điện lực Trung Quốc ông Yu Xuehao cho biết, ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc và Việt Nam có nền tảng hợp tác vững chắc. Thời gian qua, các công ty điện lực Trung Quốc tích cực tham gia vào thị trường Việt Nam, đầu tư vào nhiều dự án, tham gia xây dựng kỹ thuật, thực hiện mua bán điện hoặc cung cấp thiết bị điện, và đã tạo ra nhiều dự án điển hình. Đơn cử như đường dây truyền tải điện 110kV Hà Khẩu đưa vào vận hành tháng 9/2004. Đường dây truyền tải điện được kết nối với mạng lưới điện Việt Nam thông qua 5 kênh và 7 mạch, với sản lượng truyền tải lũy kế gần 40 tỷ kWh, hơn 90% trong số đó là năng lượng sạch, liên tục tạo động lực hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương của Việt Nam.
- TBI sẽ hợp tác với Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao và phát triển trung tâm tài chính
Ngày 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngài Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI).
Dự kiến nhân dịp chuyến thăm của ngài Chủ tịch, TBI sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. TBI bước đầu tích cực hỗ trợ các bộ, ngành của Việt Nam kết nối, tiếp cận các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có tiềm năng và mong muốn đầu tư tại Việt Nam; nghiên cứu mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, thể hiện cam kết hợp tác lâu dài của Viện với Việt Nam.
- Bộ Tài chính đặt mục tiêu áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024
Tại dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính nêu rõ mục tiêu tổng thể nhằm xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024, bao gồm: (i) quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR); (ii) thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT); đi kèm là các giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI), nhà đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư gián tiếp.
Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, đặc biệt tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; đồng thời, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
- Hoa Kỳ muốn mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ bày tỏ trong chuyến thăm lại Việt Nam lần này, bà đã chứng kiến những thay đổi đầy ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Hoa Kỳ và đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này.
Hoa Kỳ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; có kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Việt Nam trong hiện đại hóa chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá và các vấn đề vĩ mô khác, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế.