Tháng 11, tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam có xu hướng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Cùng Amber Yên Quang điểm lại những sự kiện và con số đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh kinh tế thời gian qua.
1/ Donald Trump tái đắc cử tác động lớn đến kinh tế Việt Nam
Việc ông Donald Trump chính thức đắc cử đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong chính sách thương mại của Mỹ, khiến cả thế giới tập trung vào những nước đi tiếp theo của vị tân Tổng thống. Là quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược Toàn diện với Mỹ, Việt Nam đang đứng trước cả những thách thức và cơ hội bứt phá cho nền kinh tế.
Với quan điểm bảo hộ thương mại Mỹ, ông Trump sử dụng thuế quan như một công cụ chiến lược để đối phó kế hoạch “Made in China 2025” mà Trung Quốc theo đuổi. Nếu dự định áp thuế 60% với hàng nhập từ Trung Quốc của Donald Trump được thực thi, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tối ưu chi phí.
Việt Nam, với vị trí thứ 3 về thu hút FDI trong khối ASEAN, nhất định sẽ trở thành một trong những điểm đến đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp quốc tế. Hiện tại, Việt Nam đang thu hút làn sóng FDI “thế hệ mới” ở các lĩnh vực công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo và chất bán dẫn. Theo đó, bất động sản khu công nghiệp, vận tải và kho bãi sẽ là những ngành hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư mới. Đây cũng là cơ hội giúp các nhóm ngành xuất khẩu như thiết bị điện tử, dệt may, gỗ… tăng trưởng mạnh, mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chiếm lĩnh thị phần.
2/ Việt Nam, Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện
Kết thúc chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11 của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam và Malaysia đã nâng cấp Quan hệ Hợp tác Song phương lên thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đại diện hai nước đều nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính, bao gồm an ninh, quốc phòng, kinh tế số và hợp tác hàng hải. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam mở rộng sang các ngành khác như năng lượng tái tạo, nơi các công ty Malaysia tham gia chuỗi cung ứng thiết bị RE, dịch vụ RE và đầu tư; công nghiệp Halal hay an ninh lương thực…
Theo kế hoạch sang năm 2025, Malaysia sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN với chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, mang ngụ ý khả năng phục hồi, bao trùm và bền vững cho ASEAN và hơn thế nữa. Đây cũng được xem như cam kết của Malaysia trong việc dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy khu vực hướng tới tăng trưởng.
3/ Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cầu lớn vượt sông Hồng
Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi, 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng đã được Chủ tịch UBND Thành phố thống nhất chủ trương thực hiện trong giai đoạn từ năm 2025 – 2030 bằng nguồn vốn đầu tư công.
Với dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố sẽ làm việc với Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Trung Quốc và Tập đoàn Vingroup để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai đầu tư xây dựng.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường hai đầu cầu: Sở Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư và trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt trong tháng 2/2025. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần sớm tham mưu, đề xuất phương án bố trí vốn đầu tư công thực hiện dự án.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu: Giao cho các sở ngành, huyện liên quan khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên. Sở QHKT Hà Nội tham mưu, đề xuất UBND TP việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính qua sông Hồng.
4/ Việt Nam dẫn đầu trong xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu “nearshoring”
Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence (Mỹ), Việt Nam đã trở thành nước dẫn đầu trong xu hướng “nearshoring” (các công ty chuyển hoạt động sản xuất, dịch vụ và hậu cần từ một quốc gia xa sang các quốc gia lân cận). Với lực lượng lao động dồi dào, tay nghề cao, hạ tầng logistics phát triển, chính trị ổn định cùng các chính sách ưu đãi, Việt Nam thu hút hàng loạt các tập đoàn như Samsung, Nike, Adidas, Foxconn, Intel… đầu tư nhà máy sản xuất.
5/ Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam gia tăng ấn tượng
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Riêng tháng 11 ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Như vậy, tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
6/ Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng tích cực
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính riêng trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,8%.
Cùng với đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2024 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Như vậy, tính chung mười một tháng qua, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng vọt 9,7% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ tăng 1,0%), ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6% và ngành khai khoáng giảm 7,3%.
7/ Tình hình xuất nhập khẩu
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê, riêng trong tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Có thể thấy cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam 11 tháng qua đã đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu gạo cũng lập kỷ lục về cả lượng và giá. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.
8/ Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến 6 tháng đầu năm 2025
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, trong đó có chính sách tiếp tục giảm thuế VAT hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Như vậy, các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế suất 10% sẽ tiếp tục được áp mức 8% tới hết tháng 6/2025.
Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này gồm: bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
9/ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%
Nhằm đẳm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động thông suốt, an toàn và hiệu quả, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Thứ hai, khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Thứ năm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng iếp tục nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Thứ sáu, yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng.
Thứ bảy, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động rà soát, tổng hợp khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới.
Thứ tám, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng, công bố lãi suất của các tổ chức tín dụng, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm; có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
10/ Chính thức áp thuế 5% với phân bón
Sau thời gian cân nhắc, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, trong đó sẽ áp thuế 5% với phân bón. Việc chuyển đổi từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất này sẽ có lợi cho cả nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Bởi theo cấu trúc hiện tại, tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm 69,2% còn tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm 30,8%.
Khi áp thuế GTGT 5%, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, sẽ tạo tác động dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường. Phía doanh nghiệp sẽ có động lực tăng cường đầu tư sản xuất trong nước, từ đó giảm dần lượng phân bón nhập khẩu. Cuối cùng, về phía nhà nước, nhờ khoản thuế từ mặt hàng phân bón, sẽ có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Được biết, đa số các nước trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón, điển hình là Trung Quốc với mức 11%, Nga với mức 20%.
Nguồn: Tổng hợp Internet